“Đất nước tôi không xảy ra chiến tranh nhưng cuộc sống còn khổ hơn trong thời chiến. Tôi không biết mọi người có thể chịu đựng tình trạng này trong bao lâu”, một người dân nói.
Người dân đi mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu trong một siêu thị ở thủ đô Caracas, Venezuela vào hôm 30/6.
Triển vọng dành cho Venezuela dường như mờ đi mỗi ngày. Nguyên nhân của vấn đề không phải chỉ vì 4 tiếng mất điện mỗi ngày. Đất nước xuất khẩu dầu mỏ tại Nam Mỹ đang kẹt trong một cơn bão của các vấn đề hạn hán, thiếu lương thực và năng lượng cũng như lạm phát và suy thoái kinh tế. Theo Los Angeles Times, mức lương tối thiểu tại Venezuela là 15.000 bolivar. Tỷ giá 1 USD bằng 10 bolivar. Tuy nhiên, do đồng tiền mất giá nên 1 USD có thể được đẩy lên tới 1.000 bolivar ở thị trường chợ đen. Các siêu thị luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Người dân chủ yếu phải mua đồ dùng và nhu yếu phẩm ngoài chợ đen với giá “cắt cổ”. Tại chợ đen, nếu tính theo tỷ giá hối đoái của chính phủ, một chục trứng giá 150 USD, 500 gr sữa bột giá 75 đến 100 USD, 500 gr cafe giá 200 USD, 1 kg gạo giá 40 USD, thuốc tránh thai dùng trong 28 ngày giá 200 USD và 4 cuộn giấy vệ sinh giá 120 USD. Mọi người tụ tập bên ngoài một siêu thị ở thủ đô Caracas để chờ mua lương thực và nhu yếu phẩm. Để mua được đồ, nhiều người đứng xếp hàng từ đêm hôm trước. Không ai biết siêu thị sẽ bán gì. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, người dân tại Venezuela chỉ được phép mua sắm 2 lần trong một tuần như một phần của chiến lược phân phối thực phẩm do các giới chức áp đặt, nhằm giảm thiểu các cuộc khủng hoảng ngày càng tăng. “Đất nước chúng tôi không xảy ra chiến tranh nhưng cuộc sống của chúng tôi còn khổ hơn trong thời chiến. Tôi không biết mọi người có thể chịu đựng tình trạng này trong bao lâu nữa”, Becky Jordan, một giáo viên tại Caracas, nói với CBC. Theo The Guardian, người dân đất nước này đã sống trong tình trạng thiếu lương thực và các mặt hàng thiết yếu gần 3 năm, khi nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ bắt đầu mất ổn định. Đài quan sát Xung đột Xã hội Venezuela cho biết, 2.138 cuộc biểu tình đã xảy ra trong khoảng thời gian 4 năm nay. Hầu hết là các cuộc biểu tình tự phát do phẫn nộ đi cùng với thất vọng. Số lượng các vụ cướp bóc tăng gần gấp 4 lần trong cùng thời điểm.
Hầu hết những người đứng xếp hàng có thể trở về nhà với bàn tay không, hoặc ít nhất, với một gói bột và một ít dầu ăn. Những người kém may mắn hơn sẽ trở lại với gia đình với một quả xoài hoặc vài củ khoai tây. “Tôi thậm chí không nhớ lần cuối cùng tôi ăn thịt gà, thịt, cá ngừ hoặc sữa là khi nào. Chúng tôi đã quen với việc bỏ bữa sáng, nhưng hiện tại nếu có thể ăn một bữa mỗi ngày, bạn là người may mắn”, một người phụ nữ nói.
Đối với các mặt hàng như tã, sữa bột dành cho trẻ em và các mặt hàng khử mùi, chính phủ đã đưa chúng xuống hạng mục hàng “không cần thiết” khiến các gia đình có trẻ nhỏ gặp khó khăn khi tìm mua. Hiện tại, chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro phủ nhận việc một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra tại Venezuela và nhất quyết từ chối yêu cầu viện trợ quốc tế, bao gồm các vật tư y tế quan trọng. “Không thừa nhận và thực hiện các biện pháp giải quyết cấp bách, khủng hoảng tại Venezuela sẽ tiếp tục chìm sâu và rơi vào một cơn ác mộng không thể tưởng tượng”, Erika Guevara Rosas, Giám đốc khu vực châu Mỹ tại Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ lạm phát tại Venezuela lên đến 1.200%. Phe đối lập đang kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc miễn nhiệm Tổng thống Maduro, người mà họ cho là đã điều hành đất nước đến bờ vực của sự sụp đổ. Tuy nhiên, ông Maduro cho rằng vấn đề của đất nước nằm ở “cuộc tấn công của chủ nghĩa đế quốc” do Mỹ và “lực lượng cánh hữu của Venezuela” gây ra.